Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Nghìn lẻ một chuyện thuê giúp việc

“Mướn người giúp việc làm theo giờ không hiệu quả. Chớp mắt đã thấy hết giờ, công việc làm chưa tới đâu, mà lương lại phải trả cao”.

Trả lương theo giờ hay theo việc?

Gia đình chị Mỹ Oanh chỉ có hai vợ chồng son nhưng ở trong ngôi nhà cao bốn tầng. Anh có sạp bán vải ngoài chợ, bán buôn suốt từ sáng đến chiều, không một ngày nghỉ. Chị làm kế toán một công ty may. Cả hai vợ chồng đều bận bịu. Chuyện cơm nước thì qua nhà cha mẹ hai bên ăn ké. Quần áo chăn màn thì dồn đống đợi đến ngày nghỉ cuối tuần chị Oanh tranh thủ giặt. Chỉ còn cái vụ nhà cửa bụi bặm không thể nào dọn dẹp nổi. Thuê người giúp việc bao ăn ở thì hơi phí mà lại không tiện vì suốt ngày không có ai ở nhà. Phương án thuê người giúp việc theo giờ là thích hợp nhất.
Chị Oanh thuê được chị Tư đến giúp việc ba ngày trong tuần. Thỏa thuận ban đầu là lau dọn bốn tầng lầu, lương trả cho mỗi lần lau dọn là 50.000 đồng. Ngày đầu tiên, chị Tư mất ba giờ đồng hồ cho việc lau dọn sàn, cửa kính, bàn ghế, đồ trang trí nội thất, giặt màn cửa… suốt bốn tầng lầu. Nhìn chị Tư mồ hôi nhễ nhại, tay chân lấm lem, chị Oanh nghĩ: “Trả lương như vậy cũng đáng đồng tiền”.
Những lần sau đó do đã quen công việc nên chị Tư làm việc có khoa học và nhanh hơn. Chỉ sau một giờ đồng hồ cả ngôi nhà đã sạch sẽ từ trên tới dưới. Vốn là dân kế toán chị Oanh tính: “Một tiếng đồng hồ có 50.000 đồng, tính ra một ngày tám tiếng kiếm được 400.000 đồng. Trời! Lương còn cao hơn mình nữa”. Ý kiến giảm lương được đưa ra. Đương nhiên chị Tư không đồng ý!
Trường hợp bà Thu thì ngược lại, bà thuê một cô bé đến giúp việc mỗi ngày ba tiếng đồng hồ, mỗi giờ 15.000 đồng. Bà sai cô bé lau nhà, nhà lau chưa ráo nước bà sai lau cửa sổ. Sau đó là dọn phòng, vừa xong lại sai làm cơm phụ. Thủy, cô bé giúp việc bị xoay như chong chóng.
Vài tuần sau, Thủy nghĩ ra mẹo làm từ từ cho hết giờ để đỡ mệt. Bà Thu thắc mắc: “Sao dạo này con làm việc chậm hơn lúc trước?”, Thủy trả lời: “Tại con làm kỹ nên chậm”. Hôm sau bà nghĩ ra mẹo để “trị” cô bé giúp việc. Bà để Thủy lau dọn lầu một mình. Sau đó bà bất ngờ xuất hiện thì thấy cô đang thảnh thơi đọc truyện.

Kinh nghiệm
Chồng chị Oanh cắt nghĩa: “Nếu chị Tư làm đều đặn suốt tháng sẽ có mức lương 12 triệu đồng/tháng. Nhưng đây là công việc lao động chân tay và không thường xuyên nên làm sao đạt được số tiền đó. Hơn nữa, không ai có thể liên tục trong tám tiếng đồng hồ dọn được tám ngôi nhà cao bốn tầng”. Sau khi nghe chồng phân tích, chị Oanh mới “ngộ” ra. Lật đật mời chị Tư đến làm việc lại.
Bà Thu lập kế hoạch giám sát cô bé giúp việc. Nhưng xem ra kế hoạch này không khả quan lắm vì chuyện đi theo trông chừng khiến bà bận bịu hơn trước. Bà Tám, bạn bà Thu khuyên: “Bà làm vậy không chỉ bà mà con nhỏ giúp việc cũng khó chịu. Bà nên khoán công việc cố định cho nó. Đối xử chân tình với người ta một chút mới giữ người được lâu”.
Một số chủ nhà có kinh nghiệm thuê giúp việc theo giờ chia sẻ, nên thuê người đã rành việc để đỡ mất thời gian hướng dẫn. Thoả thuận cụ thể mức lương, công việc và thời gian làm việc. Sắp xếp thời gian thuận lợi trong ngày để người giúp việc đến làm việc để tránh sinh hoạt gia đình bị xáo trộn do sự có mặt của người giúp việc.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

10 câu nói không nên nói với bà bầu dịp Tết

Khi mang thai, người mẹ đã rất mệt mỏi và lo lắng rồi nên khi đi chúc Tết, bạn hãy chú ý cách ăn nói để tránh khiến mẹ bầu thêm buồn phiền, cáu gắt nhé.

Mang thai là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng, mệt mỏi do sự thay đổi hormone trong cơ thể và một phần là vì mẹ lo lắng tới sự phát triển của thai nhi. Cộng thêm các triệu chứng thai nghén nên phụ nữ mang thai rất hay khó chịu, dễ nóng giận, cáu gắt.
Mặc dù mệt mỏi là vậy nhưng các bà bầu vẫn thường xuyên phải chịu đựng những câu hỏi “kém duyên” từ người khác. Đặc biệt trong dịp Tết, tần suất gặp phải những câu hỏi “không muốn trả lời” càng nhiều hơn do mẹ bầu phải gặp gỡ, chúc Tết nhiều người hơn, từ họ hàng, bạn bè cho tới đồng nghiệp.
Dưới đây là 10 câu nói phần lớn các mẹ bầu rất ghét, nên Tết này khi gặp bà bầu, các bạn nên biết mà tránh nhé. Mới đầu năm mới mà nghe những điều khó nghe, tâm trạng cáu giận sẽ không may chút nào đâu.
1. “Mang bầu không ăn được cái này… cái kia… đâu!”
Chẳng ai thích sự cấm đoán và bà bầu cũng vậy. Trong khi đó, Tết có bao nhiêu món ngon, mỗi khi ăn cái này cái kia lại có người cấm đoán thì tâm trạng sẽ cực kỳ khó chịu. Với một mẹ bầu, khi mang thai họ đã tìm hiểu kiến thức rất cẩn thận dưới sự tư vấn của bác sĩ, nên họ biết cái gì tốt cho mình và không tốt cho mình. Vì vậy, bạn chẳng cần phải đưa ra lời khuyên hay cấm đoán với một bà bầu.
2. “Mang thai chứ có phải mắc bệnh đâu!”
Trong ngày Tết, có lẽ dọn nhà, chuẩn bị cỗ và rửa bát là 3 công việc chính khiến các chị em mệt mỏi nhất. Và một khi mẹ bầu không thể cáng đáng nổi, không ít người sẽ bị phàn nàn, chê trách rằng “mang thai chứ có phải mắc bệnh đâu”. Tuy nhiên, nếu không thì tại sao chúng ta lại dùng từ “chẩn đoán” mang thai?
3. “Không có gì đáng lo đâu!

Phụ nữ mang thai có nhiều mối lo thường trực. Do đó, thay vì nói lời sáo rỗng “Không có gì đáng lo đâu” thì bạn nên ngồi lại để nghe tâm sự của mẹ bầu và nhờ bác sĩ tư vấn.
4. “Ôi bụng bầu của bạn to thế!”
“Ôi bụng bầu của bạn to thế”, hay thậm chí một số người còn đùa ác ý hơn rằng “Mang thai đôi à?” khiến bà bầu vô cùng khó chịu. Hãy thử đặt bạn vào vị trí đó và suy nghĩ, liệu bản thân có cảm thấy thoải mái khi có người chê mình to béo hơn bình thường không?
5. “Mang bầu mà bụng không to lắm nhỉ? Nhìn như bụng ... tháng ấy”

Khi bị nhận xét là bụng bé, một số mẹ bầu sẽ cảm thấy lo lắng rằng liệu em bé có thực sự phát triển bình thường hay không. Vì vậy, bạn nên tránh hỏi câu này nhé vì bụng nhỏ hay to quá nhanh, thai nhi gặp bất thường thì các bác sĩ đã nói với mẹ bầu khi thăm khám rồi.
6. “Bạn mang bầu bé trai à? Nhìn bụng bầu là biết ngay!”

Nếu nhìn bụng bầu là biết vậy tại sao cần phải đi siêu âm làm gì. Việc tự đoán giới tính của bé sẽ khiến mẹ cảm thấy khó chịu đấy.
7. “Con gái à? Bạn sinh thêm con trai chứ?”
Khi đi chúc Tết, việc được hỏi giới tính thai nhi là điều khó tránh khỏi. Khi biết đó là bé gái, một số người không ngần ngại hỏi thêm về việc sinh con trai, tỏ thái độ không coi trọng con gái. Thế nhưng, con gái hay con trai thì cũng đều là con, đều là niềm hạnh phúc của người mẹ. Khi mẹ bầu đang vui vẻ mong con lớn từng ngày nhưng bạn lại câu này thì khác gì bạn đang “tạt gáo nước lạnh” vào họ không?
8. “Bạn nên xin quần áo cũ cho con. Nhà mình có rất nhiều đó!”
Tuy đang có ý tốt nhưng không phải bà mẹ nào cũng muốn dùng đồ sơ sinh cũ cho con mà thích đi mua sắm đồ mới. Vì vậy, câu nói này của bạn rất có thể bị mẹ bầu hiểu sai ý tốt, cho rằng đây là cách bạn tống khứ đồ cũ trong nhà đi.
9. “Bạn đã tìm được tên cho con chưa?”
Nhiều người không muốn chia sẻ thông tin cá nhân của con với người ngoài. Vì vậy, bạn không nên đặt câu hỏi này với bà bầu trong dịp Tết nếu mối quan hệ của cả hai chưa quá thân thiết. 
10. “Bao giờ tính có thêm em bé?”
Câu hỏi này đôi khi chỉ là một câu hỏi quan tâm thông thường, nhưng khi vừa mới sinh con xong thì lại khác. Vừa mới bước qua “cửa tử” khi sinh nở, đang trong quá trình hồi phục sức khỏe và phải chăm con nhỏ với bao nhiêu mối lo, câu hỏi này sẽ khiến các mẹ khó chịu đấy.

Lý do chồng phải "lập quỹ đen" khiến các bà vợ cười ra nước mắt

Để cô ấy khỏi phải xót ruột, tôi giấu một chút thu nhập, để trong tủ ở cơ quan, khi cần chi những khoản mà vợ gọi là “trời ơi đất hỡi” thì lấy từ đó ra, vợ không biết thì không xót, đỡ tội. Quả thật từ hồi làm cách ấy, vợ tôi nhẹ nhõm hẳn.
Tôi nói mình lập quỹ đen chẳng qua vì nghĩ cho vợ, thương vợ, nhưng vợ tôi lẫn các chị cô ấy đều bảo tôi trơ tráo nói càn. Sao không ai hiểu thực tế đúng là như vậy?
Tôi và vợ đều 32 tuổi, là bạn thời đại học. Chúng tôi lấy nhau với hai bàn tay trắng, cùng nhau vượt qua thời hàn vi để bây giờ kinh tế đã đỡ hơn rất nhiều. Vì hồi trước khó khăn nên vợ tôi tính rất tiết kiệm, cứ phải bỏ tiền ra là cô ấy xót. Nhưng trong công việc và quan hệ xã hội, nhiều khi vẫn phải bỏ ra những khoản mà vợ tôi cho là vô lý, không cần thiết, hoang phí, chẳng hạn như quà cáp cho những người có quan hệ làm ăn, quà sinh nhật cho đồng nghiệp, những bữa chiêu đãi…

Mỗi lần phải đãi hoặc mua quà cho ai đó, vợ tôi đều phàn nàn là đắt quá, nhiều quá, và cố ép tôi mua món thật rẻ hoặc tốt nhất là không mua nữa “vì có thân mấy đâu mà quà cáp ghê thế”. Nếu tôi dứt khoát thực hiện thì cô ấy rất bực bội, khổ sở, cô ấy xót xa vì trong khi bản thân mình chưa dám tiêu pha rộng tay lại phải bỏ những khoản đó cho người ngoài.
Thấy vợ như thế tôi cũng thương. Để cô ấy khỏi phải xót ruột, tôi giấu một chút thu nhập, để trong tủ ở cơ quan, khi cần chi những khoản mà vợ gọi là “trời ơi đất hỡi” thì lấy từ đó ra, vợ không biết thì không xót, đỡ tội. Quả thật từ hồi làm cách ấy, vợ tôi nhẹ nhõm hẳn, thấy chồng không còn “vung tiền qua cửa sổ” như trước.
Nhưng không may, cái kim trong bộc lâu ngày cũng lòi ra, vợ tôi biết hôm nọ hôm kia tôi chiêu đãi bạn bè ở quán nào nhà hàng nào, tôi mua quà sinh nhật cho con đồng nghiệp đắt tiền ra sao… Cô ấy khóc lóc ghê gớm, bảo tôi ăn thịt vợ con, rằng tôi dối trá gian xảo khi lập quỹ đen, không biết còn dùng vào việc gì nữa, có bồ bịch gì không…
Cả gia đình vợ mắng nhiếc tôi, nhất là hai bà chị. Họ nói cứ như tôi là gã đàn ông khốn kiếp chỉ biết sướng thân mình mặc cho vợ con đói khổ. Tôi trình bày rằng tôi lập quỹ đen chẳng qua vì thương vợ, không muốn vợ phải suy nghĩ tiếc xót trong khi tôi không thể không chi những khoản kia. Nhưng chẳng những họ không hiểu mà còn bảo tôi là đồ trơ tráo, nói thế cũng nói được.
Anh em mày râu có ai cùng cảnh ngộ, dùng suy nghĩ như tôi không, xin lên tiếng giúp.

Đêm tân hôn nhận được tin nhắn lạ, chồng sắp cưới nổi điên, cạy tay đòi lại nhẫn

Thấy tôi im lặng, anh bất ngờ xông đến cạy tay tôi rút bằng được chiếc nhẫn đính hôn anh đã trao cho tôi trong lễ ăn hỏi.

Tôi và chồng chỉ còn nửa tháng nữa là tổ chức đám cưới chính thức. Tôi với anh dù trên pháp luật chưa phải vợ chồng danh chính ngôn thuận vì chúng tôi chưa đăng ký kết hôn nhưng chúng tôi làm lễ ăn hỏi rồi. Trong mắt mọi người và tự bản thân chúng tôi cảm nhận rõ chúng tôi đã thực sự là vợ chồng.
Tôi với chồng quen rồi yêu nhau khá chóng vánh, tất cả gói gọn trong 6 tháng. Thậm chí tôi với anh còn chưa qua đêm cùng nhau. Khi tôi ngỏ ý giữ đến đêm tân hôn, không ngờ anh đồng ý ngay. Anh bảo anh thích một cô gái biết giữ mình như tôi. 
Và đêm qua chính anh đề nghị chúng tôi tân trước bởi anh sợ đến ngày cưới lu bù nhiều việc, ai cũng mệt nhoài khó mà có một đêm tân hôn như ý. Tôi thấy anh nói rất hợp lý bèn e thẹn gật đầu.
Chồng tôi thuê 1 phòng khách sạn hạng sang, nhờ người trang trí bóng bay và hoa tươi. Tôi cảm kích ôm chầm lấy anh, cõi lòng lâng lâng hạnh phúc. Nhưng mọi người biết không, giữa lúc ấy tôi bỗng nhận được 1 tin nhắn, người gửi không ai khác chính là của gã tình cũ. 
“Em sắp lấy chồng có nhớ đến những lúc quằn quại trên giường với anh?”, vỏn vẹn một câu ngắn ngủn nhưng lại có sức sát thương vô cùng lớn. Tôi với gã quả thực từng quan hệ với nhau. Theo quan điểm của tôi, từng quan hệ không có nghĩa sẽ cho phép bản thân mình dễ dãi. Với chồng hiện tại, thời điểm chúng tôi quen nhau chưa lâu nên tôi chưa đồng ý chứ không phải “làm màu”, giả vờ là gái ngoan với anh.
Anh thấy tôi có chút hoảng hốt khi đọc tin nhắn thì giật phắt lấy chiếc điện thoại trên tay tôi. Nhìn rõ những chữ trên màn hình, anh gằn giọng hỏi: “Gã ta nói sự thật? Em với gã ta đã từng…”. Tôi im lặng ngầm thừa nhận. 
Anh đột ngột ném chiếc điện thoại của tôi vào tường vỡ tan tành, hét to trách móc tôi: “Hóa ra em cũng chẳng khác gì những người con gái khác! Anh tưởng em ngoan ngoãn, có gia giáo lắm cơ! Anh không quá quan trọng chuyện em ‘còn’ hay ‘mất’, em còn càng tốt mà mất cũng không sao. Nhưng chính thái độ lừa dối, giấu giếm của em khiến anh ghê tởm!”.
 Tôi choáng váng với mớ lời buộc tội từ anh. Tôi thấy bản thân chẳng làm gì nên tội, chuyện tôi “mất” đâu phải là lỗi lầm gì mà phải thú nhận mong anh tha thứ! Con gái không còn trinh là người con gái mang tội sao? Một quan niệm quá ư nực cười và coi thường, vùi dập phụ nữ!
Thấy tôi im lặng, anh bất ngờ xông đến cạy tay tôi rút bằng được chiếc nhẫn đính hôn anh đã trao cho tôi trong lễ ăn hỏi. “Chúng ta chấm dứt ở đây thôi. Tôi không thể chấp nhận một người vợ đã hư hỏng còn không biết nhận sai như cô!”, anh tuyên bố như vậy rồi quay lưng bỏ đi. 
Còn lại 1 mình trong căn phòng khách sạn, nhìn những thứ anh dày công chuẩn bị mà tôi thấy thật nực cười. Hóa ra anh dành cho tôi những điều tốt đẹp này chỉ bởi vì nghĩ tôi còn trinh?
Tôi ra về mà lòng rối bời. Ông trời đúng là trêu ngươi khi để gã người cũ nhắn tin vào đúng đêm tân hôn sớm của tôi với chồng. Có lẽ gã biết tôi sắp cưới chứ cũng chẳng ngờ tin nhắn của mình lại phá hủy ngay mối nhân duyên của tôi. 
Mà không, nếu chẳng có tin nhắn của gã thì chồng tôi cũng phát hiện ra tôi không “còn” thôi. Và kết cục như thế này cũng sẽ xảy ra như đã định. Cay đắng và không cam tâm chút nào mọi người ạ, lẽ nào tôi cứ thế chấp nhận bị hủy hôn? 
Dù tôi cũng không còn thiết tha người đàn ông coi cái màng mỏng của phụ nữ lớn hơn tất thảy kia nhưng cách làm của anh ta thật sự khiến tôi thấy bị sỉ nhục. Tôi có nên làm ầm ĩ lên cho anh ta một phen bẽ mặt?
Mời bạn đọc chia sẻ và bình luận tại đây!

Bỏ con gái đi lấy chồng, đêm tân hôn anh lật chăn khoe thứ khiến tôi nghẹn ngào

Bước vào phòng tân hôn tôi thấy chồng đang ngồi cạnh mép giường. Tôi định lên tiếng giục anh đi ngủ thì anh ra hiệu cho tôi im lặng. Anh kéo tay tôi lại bên giường rồi nhẹ nhàng vén chăn lên.

Đêm qua là đêm tân hôn của tôi mọi người ạ. Mặc dù tôi và chồng chẳng có màn nồng nàn, say đắm nào nhưng có lẽ đó sẽ là cái đêm tôi nhớ đến hết cuộc đời này. 
Tôi từng đi qua đổ vỡ, anh cũng “một đời vợ”. Nhưng tôi đang nuôi cô con gái nhỏ còn anh với vợ cũ chưa có con chung. Mẹ anh từng phản đối tôi ghê lắm. Bà cho rằng anh chưa có con nên chẳng khác gì trai tân, còn tôi đèo bòng con cái, sau này cảnh “con em con chúng ta” sẽ rất mệt mỏi. 
Chúng tôi vẫn kiên trì bên nhau, cuối cùng đã được mẹ anh chấp nhận. Nhưng bà có một yêu cầu, đó là tôi không được đưa con gái về nhà chồng. Nếu tôi muốn lấy anh thì phải từ bỏ con gái, gửi con lại cho mẹ đẻ tôi chăm sóc. 
Mẹ tôi một mực khuyên tôi đi lấy chồng, con gái tôi bà sẽ chăm sóc tử tế. Bà bảo hai nhà đâu xa xôi gì, nếu thích có thể về thăm con bất cứ lúc nào. Thêm tình yêu với anh sâu đậm khiến tôi không thể chịu đựng được việc nhìn anh ở bên người khác. Vậy là tôi quyết định nghe theo yêu cầu của mẹ anh. 
Quyết định rồi tôi mới hối hận. Suốt quá trình tổ chức đám cưới tôi chẳng nở nổi lấy một nụ cười. Vẫn biết có thể về thăm con nhưng làm sao có thể bằng con kề cận bên mình mỗi ngày cơ chứ? Tôi là người mẹ thật tệ hại, bỏ rơi con ruột để đi tìm hạnh phúc riêng! 
Đêm tân hôn tôi chẳng có tâm trạng nào ngọt ngào cùng chồng. Thậm chí lúc đó tôi còn nghĩ, nếu được chọn lại tôi sẽ không bỏ rơi con. Đàn ông suy cho cùng cũng là người dưng, còn con cái mới là máu thịt của mình cơ mà! 
Bước vào phòng tân hôn tôi thấy chồng đang ngồi cạnh mép giường. Tôi định lên tiếng giục anh đi ngủ thì anh ra hiệu cho tôi im lặng. Anh kéo tay tôi lại bên giường rồi nhẹ nhàng vén chăn lên. Giờ tôi mới để ý chiếc chăn tân hôn của chúng tôi không được gấp gọn ghẽ mà đang trải rộng như có người nằm trong chăn vậy. 
Khi chiếc chăn được vén lên một góc, tôi sững sờ thấy con gái mình đang ngủ say tít trên giường. Anh mỉm cười nhỏ giọng: “Anh biết em không thể xa con nên lén mang con bé về với em. Từ ngày mai con bé sẽ sống tại đây cùng vợ chồng mình. Chuyện bên mẹ anh sẽ giải quyết, em đừng lo. Bây giờ ván đã đóng thuyền bà cũng chẳng thể bắt mình ly hôn. Hơn nữa, con bé đáng yêu như thế, bà sẽ nhanh chóng yêu quý nó thôi”.
Tôi lặng người, hết nhìn anh lại nhìn con gái đang say giấc trên giường, nước mắt không tự chủ được rơi lã chã. Chắc chắn anh đã nhận ra tâm trạng tồi tệ của tôi từ lâu. Nhưng anh vẫn kiên nhẫn chờ đến lúc này mới mang con bé về để đám cưới được diễn ra êm xuôi. Tôi ôm chặt anh nghẹn ngào không thốt nên lời. Cả đêm ngắm anh rồi nhìn con gái say giấc bên cạnh, tôi hạnh phúc đến mất ngủ.
Sáng ra mẹ chồng vô cùng kinh hãi khi thấy con gái tôi trong nhà. Chồng tôi kịp kéo bà vào phòng riêng nói chuyện một lúc lâu. Khi trở ra tuy bà vẫn giữ vẻ mặt khó chịu nhưng đã ngầm tỏ ý chấp nhận sự có mặt của đứa bé. Tôi nhìn anh đầy biết ơn đồng thời cũng cảm kích mẹ chồng vô cùng. 
Cưới được anh thật sự là may mắn của tôi. Cho dù chúng tôi “rổ rá cạp lại” đi chăng nữa thì tôi tin với tấm chân tình dành cho nhau, chúng tôi nhất định sẽ hạnh phúc!

Hớn hở về ra mắt nhà bạn gái, tôi khiếp sợ khi mẹ em ghé tai tiết lộ bí mật

Sau đó, khi Thu khuất bóng dưới bếp, trong sự ngỡ ngàng của tôi, mẹ em đã ghé vào tôi thì thầm 1 câu khiến tôi trợn trừng kinh hãi...

Tôi là đàn ông mà phải lên đây xin lời khuyên của mọi người, thật sự cũng chẳng còn cách nào khác. Tôi đang rơi vào một mớ bòng bong, không biết phải làm thế nào để giải quyết cho ổn thỏa nữa.
Chuyện là tôi mới về nhà bạn gái ra mắt. Tôi và Thu yêu nhau hơn 1 năm nay, đang dự định tổ chức đám cưới nên quyết định về đôi bên gia đình diện kiến phụ huynh. 
Bố Thu mất từ lâu, Thu thì rời nhà lên thành phố làm việc, mẹ Thu trước nay vẫn phải  sống 1 mình lủi thủi. Trên Thu còn 1 chị gái nhưng chị ấy lại lấy chồng xa cách nhà cả 400 cây số, thậm chí cả năm còn chẳng về thăm mẹ lần nào.
Trước khi về tôi vui mừng, hồi hộp bao nhiêu thì lúc gặp mẹ Thu tôi lại thất vọng bấy nhiêu. Lý do chính bởi thái độ của mẹ Thu đối với tôi rất lạnh nhạt, hờ hững. 
Thu năm nay đã 28 tuổi, đâu còn trẻ trung gì nữa, con gái đem bạn trai về giới thiệu đáng lẽ mẹ cô ấy phải vui mới đúng chứ. Hơn nữa tôi đâu thua kém ai, khách quan mà nói điều kiện của tôi so với Thu còn vượt trội hơn. Thật khó hiểu, mẹ Thu không hài lòng ở tôi điểm gì nữa!
Ngồi chơi 1 lúc thì mẹ Thu giục em đi nấu cơm. Tôi muốn thể hiện mình là một người đàn ông tâm lý, định theo cô ấy vào bếp phụ giúp. Không ngờ mẹ Thu gọi tôi lại, cứ bảo tôi ngồi uống nước để Thu làm một mình. Tôi ngỡ ngàng, có mẹ vợ nào thấy con rể cưng chiều con gái mình lại ngăn cản chứ?
Sau đó, khi Thu khuất bóng dưới bếp, trong sự ngỡ ngàng của tôi, mẹ em đã ghé vào tôi thì thầm 1 câu khiến tôi trợn trừng kinh hãi: “Cháu có biết cái Thu có 1 đứa con riêng rồi không?”.
Tôi suýt nữa thì phải hét lên. Thu có con riêng? Em rành mạch nói với tôi rằng em vẫn độc thân, đã từng yêu 2 người nhưng chẳng đi đến đâu cơ mà! Để rồi qua lời kể của mẹ Thu, tôi mới biết ở mối tình thứ hai năm 24 của em, Thu đã mang thai rồi sinh con một mình. 
Ban đầu mẹ Thu phản đối con gái làm mẹ đơn thân, khuyên cô bỏ cái thai đi vì gã đàn ông kia đâu chịu cưới. Thu muốn giữ con để níu kéo gã ta. Cuối cùng, làm sao có thể ép buộc khi người ta không thích, khi cái thai quá lớn Thu đành phải sinh con và tự nuôi đứa bé.
Mẹ Thu tức tối kể lại, Thu sinh con được 5 tháng thì lén xách hành lý bỏ lên thành phố kiếm việc làm. Thu phó mặc con nhỏ cho mẹ già chăm sóc, thi thoảng gửi về được ít tiền. Lắm lúc cháu ốm cần tiền mà Thu kêu không có, bà phải đi vay mượn rồi sau đó nai lưng ra làm trả nợ nuôi cháu. 
Gần đây Thu đột nhiên quan tâm con nhỏ, mẹ già hơn. Hóa ra cô muốn xoa dịu mẹ mình, hi vọng lúc dẫn tôi về ra mắt bà sẽ giúp ỉm đi chuyện kia. Thu còn nói với mẹ, sau này lấy tôi rồi vẫn gửi con cho bà nuôi, hứa sẽ chu cấp đầy đủ.
“Tôi quá mệt mỏi và chán ngán rồi, nó là đứa con gái bất hiếu, là người mẹ tàn nhẫn! Bỏ con cho tôi nuôi bao lâu nay, giờ lại ruồng rẫy con để đi lấy chồng! Cậu về tận đây rồi thì tôi nói luôn, muốn lấy nó thì mang cả đứa bé theo về bên đấy mà chăm sóc. Tôi từng này tuổi rồi còn bắt tôi nuôi cháu nữa à? Không thì đừng hòng lấy chồng gì cả, tôi sẽ phá tới cùng!”, mẹ Thu gằn giọng ra điều kiện với tôi.
Nghe tôi và mẹ có chút to tiếng trên nhà, Thu chạy lên thì biết chuyện hỏng bét rồi. Cô ấy lập tức khóc lóc ỉ ôi, giải thích với tôi rằng vì quá yêu tôi, sợ tôi bỏ mình nên mới giấu tôi như vậy. 
“Ai chẳng có quá khứ phải không anh? Trước đây em đã sai lầm nhưng trong thời gian qua em đối xử với anh thế nào, anh là người rõ nhất mà”, Thu nước mắt lưng tròng nhìn tôi đắm đuối khiến tôi lại mềm lòng. 
Về nhà, tôi bóng gió dò hỏi mẹ, liệu bà có chấp nhận cô con dâu “đèo bòng” thêm con riêng hay không. Mẹ tôi vừa nghe đã giãy nảy lên phản đối. Vấn đề này từ trước tôi đã biết mẹ khó chấp nhận. Ông anh họ tôi đợt đó dẫn về cô gái từng ly hôn, mẹ tôi chẳng từng dạy bảo tôi 1 trận, rằng sau này đừng “dở hơi” như anh ấy.
Nhưng bảo tôi chia tay Thu thì thật sự tôi không nỡ. Tôi vẫn còn yêu cô ấy, chuyện kia chỉ là quá khứ thôi mà. Tôi phải làm sao cho vẹn đôi đường đây?

Con trai vào viện cần truyền máu gấp, tôi suýt ngất khi nghe bác sĩ báo tin sốc

Tôi chết lặng nhìn những dòng chữ rành rành trên tờ kết quả mà bác sĩ đưa trả. Máu của tôi vẫn truyền được cho con nhưng trong lòng tôi có một cái gì đó đang vụn vỡ.

Cho đến bây giờ, khi con trai đã qua cơn nguy kịch tôi mới có thời gian và tâm trạng cũng bình tĩnh lại đôi chút để viết vài dòng tâm sự với mọi người. Là đàn ông, trong công việc tôi hiếm khi phải xin ý kiến ai nhưng trong chuyện tình cảm khó nói này thực sự tôi bối rối vô cùng.
Tôi và vợ kết hôn đến nay được 4 năm và có một cậu con trai 2 tuổi. Gia đình tôi rất hạnh phúc, êm ấm. Vâng, đấy là cho tới tuần trước, khi tôi chưa phát hiện ra bí mật kinh khủng mà vợ che giấu mình. 
Tuần trước, con trai tôi đi chơi với ông ngoại. Hai ông cháu đi ngoài đường thế nào mà bị xe tông trúng. Con tôi ngất xỉu phải vào viện cấp cứu. Cả nhà tôi ai cũng lo đến phát khóc. Thằng bé kháu khỉnh, dễ thương lắm, không ai là không yêu quý nó cả.

Ở bệnh viện, lúc bác sĩ nói con tôi cần truyền máu gấp. Khi ấy có mỗi tôi ở lại trông con, vợ và ông bà đã ra ngoài ăn cơm. Tôi lập tức theo bác sĩ đi lấy máu kiểm tra. Trong bụng tôi nghĩ thầm, kiểm tra thì kiểm tra thế thôi chứ tôi không mắc bệnh truyền nhiễm, hai vợ chồng tôi đều nhóm máu O thì chắc chắn con tôi cũng nhóm máu O, có gì không tương thích đâu chứ. 
Song ở đời luôn có những bất ngờ đầy trái ngang và cay đắng. Tôi không thể tin nổi khi nhìn tờ kết quả test nhanh mẫu máu của con trai mình. Con trai tôi thế mà lại thuộc nhóm máu A! Tôi tất tưởi chạy đến tìm bác sĩ hỏi cho ra nhẽ, có thể là do sai sót từ phía bệnh viện chứ con trai tôi làm sao có thể nhóm máu A.
Ngoại trừ một khả năng, thằng bé không phải con trai tôi mà thôi. Vợ tôi và 1 người đàn ông khác sinh ra thằng bé, thì nó mới có khả năng mang nhóm máu A chứ!
Tôi quỵ ngã, bước đi lảo đảo phải dựa vào tường khi nhìn những dòng chữ rành rành trên tờ kết quả mà bác sĩ đưa trả kèm câu nói chắc như đinh của bác sĩ. Máu của tôi vẫn truyền được cho con nhưng trong lòng tôi có một cái gì đó đang vụn vỡ. Máu của tôi sẽ chảy trong người thằng bé nhưng hai dòng máu ấy lại chẳng có quan hệ huyết thống với nhau!
Vừa hay vợ tôi ăn cơm xong về đến. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh nói chuyện bình thường với cô ấy, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mấy ngày tiếp theo ở viện cũng thế, nhiều lần muốn lao vào để chất vấn vợ nhưng nhìn thằng bé vẫn còn nằm trên giường bệnh, tôi đành nén lòng lại.
Mãi cho tới khi xuất viện về nhà, tôi mới gọi vợ đến nói thẳng mọi chuyện rồi yêu cầu ở cô ấy một lời giải thích. Lúc này chính vợ tôi lại là người kinh hãi tột độ. Thật sự cô ấy cũng không hề biết con trai lại không phải máu mủ của chồng mình.
Rồi cô ấy thú nhận, thời điểm đó cô ấy có gặp lại người yêu cũ 1 lần. Anh ta chuẩn bị sang nước ngoài định cư, có lẽ cả đời này 2 người họ sẽ không còn cơ hội gặp mặt nữa. Vì thế gã đàn ông ấy đã xin vợ tôi 1 đêm cuối làm kỉ niệm. Vợ tôi thì yếu lòng vì dù sao đã từng yêu, lại nghĩ từ đây là vĩnh biệt nhau rồi.
Vợ bảo xong việc có mua thuốc tránh thai khẩn cấp uống ngay nhưng nào ngờ cô ấy vẫn mang thai đứa con của người tình cũ! Thì rõ ràng, khả năng đã uống thuốc mà vẫn có bầu hoàn hoàn có thể xảy ra còn gì. Sau này thằng bé sinh ra có nhiều nét giống mẹ nên cả gia đình tôi không ai nghi ngờ. Bản thân cô ấy cũng yên tâm rằng đó là con của chồng.
Vợ quỳ xuống lạy lục xin tôi tha thứ. Tôi nhìn vợ lại nhìn đứa bé mình yêu thương, chăm bẵm 2 năm qua mà lòng đau đớn và chua xót vô cùng. Cô ấy vẫn luôn là người vợ tốt, là cô con dâu hiếu thảo với bố mẹ chồng. Mấy năm chung sống tôi chẳng có gì phàn nàn ở vợ hết. Bây giờ nghĩ đến ly hôn tôi vẫn không cam lòng. Nhưng nỗi căm phẫn trong lòng tôi lại chẳng thể nguôi ngoai nổi. Tôi vừa hận vừa thương vợ, không biết phải làm thế nào!
Mời bạn đọc tham gia bình luận, chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, hôn nhân, vợ chồng, con cái, chuyện mẹ chồng - nàng dâu.

9 dấu hiệu chồng ngoại tình đúc rút của một cô bồ, chính xác tới 99%

Khi chồng bạn có nhiều hơn 5 dấu hiệu sau đây thì bạn cần xem lại cuộc hôn nhân này 1 cách nghiêm túc.

Từng có quan hệ với người đã có gia đình trong khoảng một năm mới đây Clare, 29 tuổi, ở New Cross, Đông Nam London tự hứa không bao giờ trở thành nhân tình nữa, bởi cuộc tình của cô kết thúc tồi tệ, khiến cô chán nản, đau ốm và mất hết sự tự tin. Cô còn thấy cảm giác tội lỗi khi đã phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. 
Bước ra khỏi mối tình oan nghiệt, dưới đây là 9 dấu hiệu Clare cảnh báo các bà vợ về việc chồng họ ngoại tình:
Quan hệ vợ chồng nhàm chán

Nếu chồng không còn cảm hứng trong phòng ngủ, điều đó có nghĩa anh ta đã để mắt đến người khác. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, tình dục nhàm chán có thể là biểu hiện tự nhiên của một mối quan hệ lâu dài.
Ngoài ra, khi anh ấy không còn cởi mở chia sẻ câu chuyện hàng ngày hay bộc lộ cảm xúc của mình. Ngay cả lúc vợ chồng giận nhau, chồng chẳng thèm dành thời gian tranh luận, thậm chí không buồn nói lại thì bạn cũng nên xem lại.
Thay đổi giao dịch ngân hàng
"Anh ấy mua cho tôi giày đẹp, túi xách từ thẻ tín dụng mới làm khi quen tôi. Anh ta chi 3.000 bảng cho tôi trong một đêm khi đến câu lạc bộ khiêu vũ đắt tiền", Clare kể.
Cô cảnh báo, nếu chồng bạn dối trá, anh ta có thể sẽ có những khoản chi tiêu bí ẩn, thậm chí làm thẻ tín dụng mới mà bạn không biết. Hãy cảnh giác với những khoản mua đắt tiền của chồng. Tất cả chúng ta đều có quyền tiêu tiền kiếm được, nhưng là vợ chồng, nên thẳng thắn về khoản chi.
Hay đi ngủ muộn
Nếu chồng bạn thức khuya khi các thành viên khác đều đã đi ngủ, điều đó có nghĩa anh ta đang mò mẫm trên mạng và không muốn ai biết điều này. "Người yêu cũ cấm tôi gọi điện thoại cho anh ta. Chúng tôi chỉ nói chuyện qua skype trong vài giờ, bốn lần một tuần và luôn luôn vào đầu giờ sáng", Clare nói.
Tất nhiên, theo Clare, cũng có thể chồng bạn làm việc hoặc cần sự riêng tư thật sự
Gu âm nhạc thay đổi
Điều này nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng theo Clare, đàn ông đột nhiên thích một ban nhạc mới hoặc thể loại âm nhạc nhất định, có thể bị ảnh hưởng bởi một phụ nữ khác. Khi muốn gây ấn tượng với ai đó - thích dòng nhạc cụ thể, có thể anh ta sẽ tải cả đĩa hát về thể loại đó. 
Bảo mật thông tin

Dấu hiệu khả nghi nhất là chồng đặt mật khẩu hoặc mã khóa điện thoại, máy tính xách tay và tài khoản mạng xã hội. Chúng ta đều có quyền riêng tư, nhưng một người không có gì che giấu hoàn toàn không khắt khe khi vợ đòi chia sẻ quyền truy cập.
Lảng tránh câu trả lời
Theo Clare, một người chồng lừa vợ dối thường bịa chuyện để che đậy hành vi của mình. Vì vậy, khi bị "hỏi khó", họ sẽ trả lời kiểu mỉa mai hoặc khôn ngoan lái câu chuyện sang hướng khác.
Dành quá nhiều thời gian cho đồng nghiệp nữ
Người yêu Clare gọi cô là "nữ đồng nghiệp". Họ thường lén lút gặp nhau trong những "chuyến công tác", như một cái cớ. "Anh ấy đến gặp tôi thường xuyên, giả vờ đi công tác", cô kể. Hãy thận trọng khi chồng bạn dành quá nhiều thời gian, công sức cho đồng nghiệp - người anh ta khẳng định chỉ là bạn. Nếu nữ đồng nghiệp kia có ý ve vãn, càng nguy hiểm hơn.
Thói quen mới, phong cách mới
Nếu chồng bạn bắt đầu sử dụng các cụm từ theo xu hướng mới hoặc biểu hiện, cử chỉ mới, hãy coi chừng. Clare cho hay, những dấu hiệu này thường bị bỏ qua, nhưng đó là dấu hiệu rất rõ ràng về sự không chung thủy.
Đột nhiên yêu bản thân thái quá
"Chồng bạn đột nhiên quan tâm đến việc mua sắm quần áo hoặc giảm cân. Đó có thể là một dấu hiệu", Clare cảnh báo. Theo cô, không thể khẳng định 100% chồng đến phòng tập thể dục là đang ngoại tình, vì cũng có thể anh ta đang theo đuổi một lối sống lành mạnh. Nhưng dù sao nó vẫn là một dấu hiệu khả nghi.

LẦN ĐẦU RA MẮT MẸ NGƯỜI YÊU NÓI MỘT CÂU KHIẾN TÔI ĐÁP TRẢ QUYẾT LIỆT, XÁCH TÚI BỎ VỀ

Ngưỡng chịu đựng có hạn, tới lúc này tôi khẳng khái đáp lại" Thế thì quý hóa quá bác ạ. Vậy cháu xin phép về, vì còn để tạo điều kiện cơ hội cho bác tìm người xứng đáng với anh ấy hơn cháu"
Tôi và Dũng yêu nhau được ba năm thì anh ngỏ ý muốn đưa tôi về ra mắt các cụ. Tôi đợi ngày này đã lâu lắm rồi vì bản thân yêu anh thực sự. Trong thâm  tâm tôi muốn anh xác định nghiêm túc và chân thành để tình cảm đôi lứa đi đến "ending happy"
Thú thực trong quá trình tìm hiểu nhau, bạn bè chung của hai đứa đã nhiều lần cảnh báo, liệu rằng tôi có thể vượt qua được cái bóng quá lớn của người đến trước hay không. Số là trước khi tiến hành gặp gỡ và làm quen với tôi, Dũng đã có 4 năm mặn nồng với bạn gái cũ. Họ là đôi bạn thanh mai trúc mã, từ thời phổ thông, từ tình bạn qua tình yêu nên tình cảm đôi bên rất chân thành và sâu nặng.
Nghe nói, cô ấy rất được lòng bố mẹ Dũng. Hạnh, tên cô gái, cũng đã nhiều lần đến ăn ở tại tư gia Dũng như một thành viên chính thức trong gia đình rồi. Nhưng chỉ vì một hiểu lầm nào đó không thể hóa giải được mà Hạnh dứt áo ra đi.

Người yêu tôi, cũng đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện ấy 1 lần. Anh còn nói cảm thấy khá lo cho tôi vì các nhân anh yêu tôi thật lòng, chỉ hiềm nỗi bố mẹ anh vẫn giữ ấn tượng sâu sắc về Hạnh trong lòng. Nếu bố mẹ anh vẫn khư khư quan niệm cũ và bảo thủ, chỉ sợ tôi là người đến sau sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Tuy nhiên xét thấy tình cảm của 2 đứa dành cho nhau đủ lớn, tôi tự tin rằng tôi sẽ chinh phục được bố mẹ anh bằng sự chân thành của mình.
Rồi ngày anh dẫn tôi về quê ra mắt đã đến. Đêm hôm đấy tôi hồi hộp vô cùng, nhưng cũng đã chuẩn bị cho mình sự tươi tắn và nhiệt huyết cần thiết, đủ " ghi điểm" với các cụ trong lần diện kiến. Tôi còn thăm dò nếp sống gia đình Dũng, cốt ăn mặc trang điểm sao cho phù hợp nhất, sao cho không quá xoàng xĩnh những cũng không quá lố"
Biết Dũng đưa bạn gái về chơi nên các cô, các dì hai bên nội ngoại anh qua thăm khá đông. Khâu nước nôi chuẩn bị tiếp khách trong bối cảnh này vô cùng quan trọng. Mẹ anh, thành viên quan trọng nhất lại đang đi chùa nên tôi mặc nhiên đứng ra cáng  đáng mọi chuyện, bố anh gợi ý mổ gà cho bữa cơm gia đình thêm phần trịnh trọng. Tôi biết thiện ý của cụ nên không nề hà xống bếp, xắn ay vào quán xuyến chuyện bếp núc.
Tới khi mọi việc dưới bếp khá ổn thỏa, cũng là lúc các thành viên mới tới có ý giục giã cố dâu tương lại mau lên nhà diện kiến. Tôi chỉ kịp búi lại mái tóc, nở nụ cười thân thiện lên nhà chào đón người thân của gia đình anh. Khi tôi đang đon đả rót nước, cô ruột Dũng bỗng nói to: " Lần đầu về ra mắt nhà trai, cháu nên chú ý phần hình thức chứ. Cháu soi gương mà xem, mascara mắt đã lem nhem. soi môi đã phai màu hết nên nhìn mặt cháu nhợt nhạt kém sắt lắm".
Tôi giật mình, vội tìm gương soi, đúng thật là mặt tôi đã không còn được trang điểm cẩn thận chỉn chu như lúc đầu. Nhưng tôi cũng chạnh lòng, vì không nhận được sự đồng cảm từ những người thân của anh cũng vốn là phụ nữ với nhau. Nếu tôi không lăn xả vào bếp phụ, chắc nhìn tôi vẫn còn lộng lẫy lắm, nhưng lúc đó sẽ bị đánh giá theo một hướng khác.
Lúc tôi đang chỉnh trang lại một chút thì mẹ Dũng về. Tôi tươi cười ra chào bác. Trái với thiện ý của tôi, mẹ anh nhìn tôi từ đầu đến chân, chỉ khẽ đáp lại " ừ" rồi ra ngồi cùng nhóm khách khứa đang trò chuyện rôm rả. Tôi khá chột dạ, nhưng kịp lấy lại tinh thần, vẫn nhiệt tình phụ giúp các việc bếp núc.
Khi đang ở trong bếp, tôi có nghe thấy tiếng của mẹ Dũng nói oang oang" Cái Thu(tên tôi) xét về nhan sắc lẫn mức độ nhanh nhẹn không bằng nửa cái Hạnh. Mẹ chỉ quý mỗi con bé đó, mẹ cũng nói với con nhiều lần, nên hạ cái tôi xuống, ngồi lại với nhau và xin lỗi Hạnh một câu là xong. Con cố chấp làm gì để giờ dẫn người lạ hoắc từ tận tỉnh xa về".
Tôi thấy nghẹn lên tận cổ, nhưng cố dặn lòng bình tĩnh. Khi tôi đang ngồi trò chuyện với các cô các bác thì mẹ anh hỏi thẳng không ngại ngần" Thế thu nhập một tháng của cháu là bao nhiêu?" Tôi thật thà đáp" Dạ, cũng ngót nghét 10 triệu một tháng ạ".
Dường như chỉ đợi có thế, bà bồi thêm:" Thế thua xa nhà bác, tháng ít nhất thằng Dũng nó thu nhập cũng tới 20 triệu, với tay một cái cưới ai chẳng được".
Ngưỡng chị đựng có hạn, tới lúc này tôi khẳng khái đáp" Thế thì quý hóa quá bác ạ. Vậy cháu xin phép về, vì để còn tạo cơ hội cho bác tìm người xứng đáng hơn với anh ấy. Riêng bố mẹ cháu luôn nói, cháu như thế đã là tuyệt vời trong mắt họ rồi, và bố mẹ sinh con ra để con yêu thương chính bản thân mình, tiếp nữa là không để ai có quyền rẻ rúng con cả".
Tôi dứt khoát thu xếp đồ đạc rồi ra về trong sự ngỡ ngàng của đám đông, mặc cho bố Dũng và Dũng chạy theo xin lỗi và nói đỡ. Trong thâm tâm tôi còn rất yêu anh, nhưng để cả đời chung sống với bà mẹ chồng mà ngay từ buổi đầu gặp gỡ đã có ý khi dễ tôi như thế, tôi không cam lòng.
Tôi bước ra đường quốc lộ, bắt xe ngược về quê mà lòng thanh thản vô cùng. Những gì nỗ lực, tôi cũng đã cố gắng hết sức. Phần còn lại tùy duyên, nhưng tới nước này tôi cũng đã đưa ra quyết định rút lui để bảo toàn lòng tự trọng của mình.
















Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Ám ảnh ngày Tết: Dư âm cỗ tất niên chưa qua, cỗ hóa vàng đã đến

Nếu như Tết với nhiều người là những ngày nghỉ ngơi, người thân trong gia đình cùng quây quần bên mâm cơm đầm ấm thì với không ít các chị em, Tết là chuỗi ngày "cắm mặt" vào những mâm cỗ.

Cách đây 3 năm, tôi chỉ cười khi nghe người ta nói cuộc sống càng hiện đại thì Tết ngày càng nhạt. Với tôi ngày ấy, Tết vẫn thích lắm chứ. Dù đã trưởng thành và đi làm, tôi vẫn luôn mong chờ những ngày sắc hồng của hoa đào và vàng của quất dần xuất hiện trên những con phố. Đó là khi những con phố thời trang rộn ràng biển "xả hàng", khuyến mại, bước chân của ai nấy dường như đều nhanh hơn, vội vã hơn.

Tết ngày ấy với tôi là dịp để mọi người cùng tạm gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống để đoàn tụ, sum họp các thành viên trong gia đình, cùng nhau ngồi quây quần bên mâm cơm tất niên, hỏi han nhau về những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Chính tôi chưa từng nghĩ rằng chỉ sau 1 năm đi làm dâu, tôi đã biết thế nào là "nỗi ám ảnh mang tên Tết".
"Lấy anh em sẽ là dâu trưởng, phải xác định vất vả đấy", tôi vẫn nhớ mình đã cười lớn khi nghe anh nói điều này. Gia đình tôi có hai chị em gái, mẹ tôi vốn là người thích nấu nướng nên hai chị em cũng "găm" được kha khá những bí quyết nấu ăn. Hơn nữa tôi nghĩ người khác làm được thì tôi cũng làm được, vả lại khi đó tình yêu đang ngùn ngụt thì có điều gì mà ngăn cản được. Song chỉ qua cái Tết đầu tiên, tôi đã hiểu chồng mình không hề nói giỡn.
Trên chồng tôi là 3 chị gái đều đã lập gia đình và có con. Mỗi dịp sum họp với nhà chồng tôi, đếm vội thì cũng phải 3 mâm cơm. Chị nào cũng có con nhỏ nên dĩ nhiên mọi công việc đều dành phần tôi hết, dâu trưởng và cũng là người chưa vướng bận con cái. 

Nếu như lịch đi làm là hết 28 mới nghỉ Tết thì với tôi, những công việc chuẩn bị cho Tết đã rục rịch từ đầu tháng Chạp. Mỗi năm, nhà chị cả chồng tôi đều được giao trọng trách nuôi một con lợn ngon để cả nhà ăn Tết. Tôi sẽ là người chịu trách nhiệm đi mua các nguyên liệu do mẹ chồng kê sẵn như hoa, gạo nếp ngon, đậu xanh rồi cả măng, mộc nhĩ, nấm hương.
Sáng 29 Tết, ngay khi vừa được nghỉ là vợ chồng tôi sẽ khệ nệ cùng cả đống đồ đã chuẩn bị chất ra ô tô để về quê ăn Tết cùng nhà nội. "Đại hội dọn nhà" đã được diễn ra từ trước khi vợ chồng tôi về. Đây được coi là ngày "khởi động" cho chuỗi ngày "Tết lao động tiếp theo".
30 Tết, nhà chồng tôi sẽ mổ lợn, báo hiệu một ngày làm việc không mệt mỏi từ sớm tinh mơ đến khi đêm muộn. Nào là phân chia thịt ra, chỗ này để làm giò xào, chỗ này giò lụa, chỗ kia thì nấu đông, thịt vụn thì xay làm nem, mỡ thì đem rán cất cặp lồng...
Chiều 30, tôi chính thức chuyển biên chế vào trong bếp để chuẩn bị mấy mâm cơm tất niên rồi cúng giao thừa. Các chị đều có gia đình chỉ đến được một lúc buổi sáng nên tất cả phần còn lại chỉ còn tôi với mẹ chồng. Mẹ chồng tôi sức khỏe có hạn, tôi sao dám để bà đứng bếp lâu. Vậy là lại một mình "cắm đầu" vào, nhanh nhanh chóng chóng cho kịp mấy mâm cơm. Đến bữa, nhìn mâm cao cỗ đầy mà tôi chẳng buồn động đũa vì cả buổi chiều đã ngửi quá nhiều mùi thức ăn.
Chưa kịp ngơi sức thì đã đến lúc dọn dẹp. Cũng may còn có con nhà chị cả của chồng tôi đã học cấp 3. Con bé sẽ phụ trách tráng bát còn tôi thì rửa. Nếu như trước đây khoảng thời gian đó là để xúng xính áo quần chuẩn bị đi xem bắn pháo hoa thì giờ với tôi là lúc chuẩn bị tiếp tục "chiến đấu" với mâm cúng giao thừa rồi chuẩn bị sẵn đồ cho mâm cúng ngày mùng 1. Mọi thứ ngổn ngang đến mức tôi phải ghi chép vào cuốn sổ tay, 1-2 giờ đêm trước khi đi ngủ vẫn phải kiểm lại một vòng để đảm bảo không quên mất món gì.
Ngày mở đầu một năm mới, khi mọi người đến nhà nhau chúc Tết thì cũng là lúc tôi chính thức chuỗi ngày "nấu cơm - rửa bát - nấu cơm - rửa bát".
Đến việc về nhà ngoại đi Tết tôi cũng không có thời gian, đành phó mặc cho chồng vì mọi việc đều đến tay tôi với vai trò người dâu trưởng. Không kể những bữa cơm sum họp gia đình 3-4 mâm liền với đầy đủ trai dâu gái rể cùng các cháu ngoại, những anh em họ hàng gần đến chúc Tết bố mẹ chồng tôi đều mời ăn cơm. Có lúc bát đĩa rửa còn chưa kịp khô đã được mang ra dùng.
Mùng 3 Tết, khi khách khứa chúc Tết dần vãn cũng là lúc tôi tự thưởng cho mình một giấc ngủ trưa tới tận chiều. Thậm chí tôi còn chẳng muốn tranh thủ đi đâu, chỉ muốn nằm nhà giữ sức vì ngày hóa vàng sắp đến.
Mùng 4 Tết, tôi tự nhủ mình phải cố lên vì Tết sắp hết rồi, sắp đến ngày được trở lại với công việc bàn giấy. Bữa cơm cúng hóa vàng cũng là bữa quây quần các thành viên trong gia đình trước khi mọi người quay trở về với công việc thường nhật. Điệp khúc nấu cơm - rửa bát lại lặp lại với tôi, đôi bàn tay thì vừa đỏ lên, vừa nhăn vì hay phải động vào nước.
Mùng 5 Tết, trở về ngôi nhà nhỏ thân thương của hai vợ chồng, tôi thấy nhung nhớ Tết thời độc thân hơn bao giờ hết. Có cô bạn thân gọi điện báo vướng đi du lịch nên không thể qua nhà chúc Tết, tôi chỉ biết thở dài bảo bạn cứ tận hưởng những ngày xuân tươi đẹp ấy, khi còn có thể xúng xính áo quần đi đây đi đó, không vướng bận gia đình. Với tôi, Tết từ khi có gia đình chính là "Tết lao động"!